Trầm Hương là một loại gỗ quý hiếm, có thể có ở cây dó bầu có vỏ xám lá mọc đối phiến lá mỏng, ở việt nam thiên nhiên ưu đãi nên trầm hương có rất nhiều ở các tỉnh từ bắc vào nam như : Lạng Sơn Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Đồng Nai, Kiên Giang Bến Tre…
Hiện nay ở nước ta nhờ khoa học công nghệ phát triển đã nghiên cứu cấy tạo thành công Trầm Hương nhân tạo trên cây dó bầu. Để duy trì, bảo vệ nguồn Gen của trầm hương. Trong khi trầm hương tự nhiên ngày càn cạn kiệt và quý hiếm.
GIỐNG NHAU
Trầm hương tự nhiên và Trầm Hương nhân tạo đều được sinh ra từ nhựa cây dó bầu trải qua nhiều năm và cơ bản có mùi hương giống như nhau, có cùng màu sắc và công dụng.
KHÁC NHAU
– Về kinh tế: Trầm hương tự nhiên có giá cao hơn rất rất nhiều so với trầm hương nhân tạo và có hàm lượng tinh dầu cao hơn trầm hương nhân tạo, thường thì bất kể cái gì mà tạo ra được thì cũng có giá rẽ hơn rất là nhiều so với tự nhiên, Trầm hương tự nhiên ngày càn quý hiếm đồng nghĩa giá càn tăng theo thời gian ngược lại trầm hương nhân tạo ngày càn tạo ra nhiều thì giá càn giảm .
– Về mùi hương : Về cơ bản mùi hương của hai loại này tương đối như nhau tuy nhiên mùi hương của trầm hương nhân tạo không đậm, không lâu như trầm hương tự nhiên. Thường thì khách hàng ít ai phân biệt được mùi thơm của hai loại này chỉ có nhưng người thực sự có chuyên môn, kinh doanh, cũng như tiếp xúc hàng ngày với trầm hương, bằng kinh nghiệp họ mới nhận ra sự khác biệt này.
– Thời gian: Theo kinh nghiệm lâu năm của dân trong nghề thì thời gian là yếu tố cơ bản làm cho trầm tự nhiên cũng như trầm nhân tạo có sự biến đổi theo chiều hướng nâng cao về chất lượng. Chính vì vậy mà trầm hương tự nhiên quý hiếm và rất có giá trị hơn nhân tạo vì trầm hương tự nhiên có thời gian hình thành trầm rất lau, còn nhân tạo nhờ vào chất hóa học để tạo trầm nên thời gian ngắn hơn.
Cách phân loại trầm hương, kỳ nam từng được người xưa xem xét tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi rõ: “Kỳ nam hương xuất tự đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là thứ tốt nhất, xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai…Họ Nguyễn trước đặt đội Am sơn, hàng năm cứ tháng hai thì đi tìm kiếm, tháng sáu thì trở về, số lượng nhiều ít không nhất định, lấy sắc sáp trắng là tốt nhất, sắc xanh đầu vịt là thứ hai, sắc sáp xanh là kém nữa, sắc sáp vàng lại càng kém nữa, sắc như vằn hổ thì kém nhất; lấy chất mềm như phấn đông, có thể cắt thành miếng là hạng tốt nhất, bền rắn là hạng xấu. Tục ngữ nói: “Nhất bạch, nhị thanh, tam hoàng, tứ hắc”. Muốn phân biệt trầm với kỳ nam thì lấy hình, chất, khí vị mà phân biệt.
Trầm hương thì cứng, nặng, ít thơm, sắc nhạt, vị đắng;, kỳ nam thì mềm nhẹ, có hơi dầu, thơm mát, vị gồm đủ cay ngọt, chua, đắng; đốt trầm hương thì khói kết xoáy rồi sau mới tan, đốt kỳ nam thì hơi khói lên thẳng mà dài. Trầm hương chỉ có thể giáng khí, kỳ nam có thể chữa bệnh trúng phong, đàm suyễn, cấm khẩu, mọi chứng, mài vào nước mà rỏ và đốt khói cho hơi hương vào mũi thì tỉnh lại ngay. Đau bụng đầy tức thì ngậm là khỏi ngay. Lại có thể trừ được tà khí, uế khí, nên trong chỗ hành dịch, hành quân không thể không dùng. Kiêng nhất là bọc giấy, nên chứa vào đồ sứ hay đồ thiếc, rồi lấy bẹ chuối bọc vào cho kín, phơi giữa chỗ mặt trời, đến chiều lấy ra thì nước dầu tiết ra. Cũng không nên phơi luôn”.
Người ta thường đánh giá, phân biệt và xếp hạng trầm kỳ theo màu sắc, hương thơm, độ cứng, mềm. Giá cả cũng từ đó mà có khác nhau. Đây là kinh nghiệm truyền đời trong dân gian, cũng như theo cách tuyển chọn tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trầm hương ít dùng làm thuốc, thường dùng để đốt lấy hương trong các dịp cúng tế, lễ lạc, giá trị thua kỳ namnhưng thông dụng hơn. Hình dáng, màu sắc của một miếng trầm rất đa dạng, có khi là một miếng gỗ hình trụ hoặc hình chóp nón, có miếng màu nâu nhạt, miếng màu đen sẫm, miếng màu vàng bợt… Dân gian thường chia trầm hương làm nhiều loại:
+ Trầm rễ: do rễ cây sinh ra, loại này rất tốt, có giá trị cao.
+ Trầm kiến: có lỗ có hang do kiến đục làm tổ trước khi cây thành trầm (dân đi địu có câu: “nhất kỳ, nhì kiến”).
Loại này lại được chia thành:
– Kiến xanh: từ thân cây dó sinh ra, màu xanh đậm, cứng.
– Kiến điệp: mềm hơn, có rất nhiều dạng.
– Kiến kim: chạy đường vân nhỏ, dẹp, giống đường kim may.
– Kiến vách lầu: ăn theo đường vân có hình nhà tầng, trông thoạt như vách nhà lầu xây.
– Kiến gai: hay còn gọi là kiến cây trường lão, còn có tên là kiến ông. Kiến ăn giữa ruột cây Dó, chạy sợi vân có hình cây gậy “nam cực tiên ông”.
– Kiến lỗ: ăn đục thành từng lỗ trong ruột cây dó.
– Kiến trắng: gọi theo màu sắc. Loại này có giá tiền cao hơn, vì tạo nên trầm tốt.
– Kiến đen đụp: chỉ có trầm ở hai đầu, giữa thân toàn là cơm, trong giới đi địu, gọi là kiến tà ha.
+ Trầm tốc: ở nơi thân cây sinh ra, miếng trầm đặc, không có lỗ. Trầm tốc có nhiều nhất và được ưa chuộng trên thị trường, chia ra làm nhiều thứ giá bán khác nhau:
– Tốc bông: màu vàng lợt, có đường vân tạo giống như hình bông hoa.
– Tốc đá: có màu đen, sẫm, cứng, dáng hình kiến ăn dày như tán đường đinh. Lúc xoi trong cây dó, tốc đá có màu đen. Tuy nhiên, để một lát sau, do ảnh hưởng không khí tác động, tốc đá có màu bợt.
– Tốc lọ nghẹ: màu đen đen như bồ hóng và nặng.
– Tốc xám: màu xam xám như tro.
– Tốc nước: mềm, áo đen, màu vàng lợt, ngoài mỏng. Sau khi dạt ra, tốc nước có mùi thơm dịu dàng.
– Tốc ớt: có mùi hăng hăng, màu vàng bợt.
– Tốc hương: sắc vàng lợt, hương đượm, thường bao quanh kỳ nam, cho nên có nhiều gân nhiều điểm kỳ nam lẫn vào.
– Tốc thẻ: kiến ăn chạy theo đường vân giống như tấm thẻ.
– Tốc lưới: đường vân chằng chịt như mắt lưới đánh cá.
– Tốc phao: có hình tròn, giống phao lưới, màu vàng bợt. Tốc này có mùi thơm nhẹ nhàng và dịu.
– Tốc cá ngừ: Trông dáng hình ba khoanh tròn đồng tâm, màu sám giống thịt màu cá ngừ.
– Tốc da: do kiến ăn ngoài da cây dó, nổi từng đường vân trông thấy ngay ở ngoài da, vì thế rất dễ nhận biết.
Kỳ nam được phân biệt với trầm hương ở mùi thơm và lượng dầu kết tinh. Dầu ở kỳ nam kết tinh giống như sáp ong, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Dựa vào màu sắc, người ta chia kỳ nam thành 4 loại theo thứ tự giá trị: “nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc”. Kỳ bạch có màu trắng ngà, chất mềm và rất nhiều dầu; kỳ thanh có màu xanh bóng, nhiều dầu thì mềm, ít dầu thì cứng; kỳ huỳnh vàng như sáp ong, chất cứng và nặng, để lâu khô dầu trở nên nhẹ; kỳ hắc có màu đen bóng, ít mùi thơm. Theo kinh nghiệm dân gian, kỳ nam là vị thuốc quý dùng trị các chứng đau bụng kèm ói mửa, tiêu chảy rất hay (mài với nước hoặc ngâm rượu mà uống) hoặc dùng trong trường hợp người bị trúng gió, bất tỉnh, cấm khẩu (mài với nước cạy miệng đổ vào hoặc đốt xông vào lỗ mũi) hiệu nghiệm như thần. Phụ nữ có thai kỵ kỳ nam, không nên uống hoặc mang theo trong người vì có thể bị sẩy thai.
Kỳ nam là do thiên tạo, khác với trầm hương là do con người mở miệng cây dó. Chính vì thế mà kỳ nam vô cùng quý hiếm. Rất ít gia đình có được sản vật này, nếu có thì họ cất giữ đề phòng những khi bất trắc ngộ độc, trúng gió, hoặc để cứu người. Lại có ý kiến cho rằng kỳ nam còn có tác dụng xua đuổi những điều xấu, đem lại điều lành trong việc làm ăn.